Phản ứng Dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên

Giới lãnh đạo

Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thư gửi Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam với ý kiến không nên khai thác các mỏ bô xít ở khu vực Tây Nguyên với lý do "Vì...lợi ích toàn cục và sự phát triển bền vững lâu dài của đất nước, khai thác sẽ gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng về môi trường, về xã hội, về an ninh quốc phòng.[23][24][25] Trong thư của cố đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Thủ tướng có viết:

Cần nhắc lại rằng, đầu những năm 1980 Chính phủ đã đưa chương trình khảo sát khai thác bô-xít trên Tây Nguyên vào chương trình hợp tác đa biên với khối COMECON... Sau khảo sát đánh giá hiệu quả tổng hợp của các chuyên gia Liên Xô, khối COMECON đã khuyến nghị Chính phủ Việt Nam không nên khai thác bô-xít trên Tây Nguyên do những nguy cơ gây tác hại sinh thái lâu dài rất nghiêm trọng, không thể khắc phục được đối với dân cư chẳng những tại chỗ mà còn cả dân cư và vùng đồng bằng Nam Trung Bộ. Chính phủ khi đó đã quyết định không khai thác bô-xít mà gìn giữ thảm rừng và phát triển cây công nghiệp (cao su, cà phê, chè...) trên Tây Nguyên..." [3].

Dự án này đã nhận nhiều ý kiến không ủng hộ của một số nhà khoa học. Một số đại biểu quốc hội đã kiến nghị dừng cấp phép khai thác bauxite ở Tây Nguyên.[26]

Ngày 09/10/2010, nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cùng nhiều cựu lãnh đạo cấp cao và nhân sĩ khác đã đồng loạt ký vào đơn thỉnh nguyện gửi Bộ Chính trị, thủ tướng và chủ tịch quốc hội yêu cầu dừng ngay dự án Boxit Tây Nguyên. Hiện đã có 2000 các cựu lãnh đạo và trí thức ký vào đơn thỉnh nguyện này.[27][28][29][30] Trong đơn có đoạn viết:

Thưa các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chúng tôi hiểu thực hiện lời thỉnh cầu khẩn thiết này có nghĩa là phải thực hiện một quyết định rất đau đớn chưa hề có trong lịch sử kinh tế nước ta và sẽ là một tổn thất lớn mà nền kinh tế nước ta phải chịu đựng – nhất là Nhà máy chế biến alumina Tân Rai đã hoàn thành được một phần lớn và đã làm được nhiều việc quan trọng trong triển khai dự án Nhà máy Nhân Cơ. Chỉ có lòng dũng cảm và ý thức trách nhiệm tuyệt đối đối với vận mệnh quốc gia của các vị cùng với sự thông cảm của đồng bào cả nước mới đủ sức đi tới thực hiện quyết định khó khăn này. Song thà chịu như vậy còn hơn để lại hậu họa khôn lường cho mai sau!

Giới trí thức

Dự án này cũng đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của một số nhà khoa học và dân cư bản địa vì nguy cơ hủy hoại môi trường và tác động tiêu cực đến văn hóa - xã hội Tây Nguyên và có thể tổn thương cả một nền văn hóa bản địa.[31]

Hơn 150 trí thức Việt Nam, trong đó có giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã ký vào bản kiến nghị kêu gọi Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam dừng dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên.[32][33]

Ngày 18/03/2009, nhà báo Lê Phú Khải đã viết thư lên tổng bí thư Nông Đức Mạnh rằng:[34]

Vấn đề bauxite còn nguy hại gấp trăm ngàn lần cải cách ruộng đất, vì nó hủy diệt cả dân tộc ta như các nhà khoa học đã dự báo. Mười năm nữa sông Đồng Nai và những con sông khởi nguồn từ Tây Nguyên bị nhiễm bùn đỏ thì cả miền Trung, Đông Nam Bộ và TP.HCM lấy gì mà uống, những bà mẹ sẽ đẻ ra toàn quái thai. Vì sự tàn khốc đó mà Trung Quốc đã đóng cửa các mỏ bauxite của họ trên toàn quốc vào năm 2008. Chính vì lẽ đó, với tư cách một công dân, một nhà báo lâu năm, tôi kiến nghị lên Ông Tổng Bí thư, người có trách nhiệm cao nhất của Đảng cầm quyền: Hãy đưa vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên ra bàn ở cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội và Nhà nước để dừng lại dự án này khi chưa quá muộn.

Theo một cuộc phỏng vấn do BBC Vietnamese thực hiện, GS Ngô Bảo Châu cho biết ông đã gửi một bức thư kiến nghị về dự án Bauxit ở Tây Nguyên vào ngày 29 tháng 5 năm 2009 nhưng tới thời điểm phỏng vấn là ngày 13 tháng 12 năm 2009, ông vẫn chưa nhận được hồi âm. Nội dung của lá thư theo ông cho biết là đề cập đến chính sách thực dân mới của chính quyền Trung Quốc về khai thác khoáng sản trên toàn cầu và đặc biệt là tại Tây Nguyên, ông cũng đưa ra cảnh báo: "phần có hại thì cầm chắc, phần có lợi thì mong manh."[35].

Ngày 11 tháng 6 năm 2009, luật sư Cù Huy Hà Vũ đã nộp đơn khởi kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi cho rằng ông Dũng đã vi phạm pháp luật khi ra quyết định về dự án trong đó có luật bảo vệ môi trường, luật bảo vệ di sản văn hóa.[36]

Từ sau sự kiện vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungary vào ngày 5 tháng 10 năm 2010, vấn đề bôxít ở Tây Nguyên lại tiếp tục trở thành điểm nóng của dư luận. Một số phương tiện truyền thông đã bắt đầu đăng những bài viết cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn trong các dự án bô xít ở Việt Nam.[37]

Sau sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungari ngày 05/10/2010,[38] đáp lại phát biểu của lãnh đạo tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam rằng "ta theo mô hình của Brazil và Úc chứ không theo mô hình của Hungary", hay "công nghệ xử lý bùn đỏ của Việt Nam và công nghệ của Hungary khác nhau hoàn toàn", tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn cho rằng "nói như vậy là lừa bịp dư luận, chứng tỏ người nói chẳng hiểu gì. Thực chất là ta đang áp dụng công nghệ thải "ướt" tức là rất giống với công nghệ Hungary đã và đang áp dụng hàng chục năm nay. So với Hungary, nguy cơ bùn đỏ phá huỷ và gây thương vong ở Việt Nam còn cao hơn hàng trăm lần." [39]

Ngày 23/10/2014, 12 nhà khoa học gửi Thủ tướng kiến nghị về Chương trình Bô xít Tây Nguyên. Theo các nhà khoa học, nhà thầu Chalieco chưa có kinh nghiệm về công nghệ xử lý quặng bô-xít gibsit như của Tây Nguyên. Nhà thầu Chalieco đã áp dụng trình độ công nghệ thấp. Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của nhà máy cho thấy mức tiêu hao năng lượng, nguyên vật liệu, hóa chất và nước cao hơn mức trung bình của thế giới. Trong khi đó, tổng thực thu alumin ghi trong thiết kế chỉ ở mức trung bình. Thiết bị ở nhà máy Tân Rai không đồng bộ, hệ thống đo lường tự động hoạt động không ổn định, nên hiện nhà máy phải vận hành bằng tay. Sau gần 2 năm sản xuất, nhà máy Tân Rai mới chỉ đạt 60-65% công suất thiết kế. Do đó, hiệu quả kinh tế và tài chính của các dự án sẽ rất thấp.[40]

Về hiệu quả tài chính dự án, đến nay, tổng chi phí thực tế cho 2 dự án đang cao hơn nhiều so với dự toán ban đầu, trong khi sản lượng đầu ra không đạt thiết kế. Ngoài ra, đã phát sinh thêm nhiều hạng mục trong quá trình thực hiện (như đường vận chuyển bô-xít, đường tránh khu dân cư). Về các sản phẩm từ bùn đỏ, việc sử dụng bùn đỏ sản xuất sắt xốp và vật liệu xây dựng mới chỉ được thực hiện ở quy mô phòng thí nghiệm, trên thế giới chưa có sản xuất ở quy mô công nghiệp vì không có hiệu quả kinh tế. Vì vậy, vấn đề sản xuất sắt xốp và vật liệu xây dựng từ bùn đỏ quy mô công nghiệp ở Tây Nguyên cần được xem xét rất thận trọng.[40]

Sau khi nhận được kiến nghị, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản nêu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công thương và TKV nghiên cứu, giải trình, báo cáo gấp. Ngày 1/4/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhắc lại văn bản chỉ đạo cũ và yêu cầu Bộ Công thương và Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) báo cáo về kiến nghị của 12 nhà khoa học liên quan các vấn đề Chương trình Bô xít Tây Nguyên và báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/4/2015.[40]

Giới tôn giáo

Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam phát động cuộc ghi danh phản đối với tên gọi: "Hãy cứu lấy Tây nguyên khỏi thảm họa bauxite đỏ" trên website của nhà dòng.[41]

Khác

Có ý kiến cho rằng "Đối với vùng Tây nguyên, đất đai trong vùng dự án rất gần kề với khu dân cư, trồng trọt hoặc thậm chí là khu nông trang của bà con nên việc chờ đợi lâu cho rừng tái tạo như thế là hoàn toàn không hợp lý. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng nếu bổ sung phân bón thì sẽ phục hồi lại dinh dưỡng cho đất. Điều này không đúng về mặt khoa học. Các loại phân đạm hoặc phân vi sinh sẽ mất tác dụng khi tiếp xúc với kiềm mạnh, phân hủy tạo thành các hợp chất khí như ammoniac, nitro oxit thì còn gây ra những thảm họa môi trường không khí không tưởng tượng nổi."[42][43]

Theo khảo sát của báo Dân trí, có tới 93% số người được hỏi mong muốn dừng dự án, trong khi chỉ có 6% đồng tình với Bộ Tài nguyên và Môi trường (Việt Nam).[44]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên http://boxitvn.blogspot.com/2010/10/chi-phi-can-uo... http://thongtinberlin.de/diendan/giaiphapnaochobun... http://www.rfi.fr/actuvi/articles/112/article_3115... http://www.rfi.fr/actuvi/articles/114/article_3813... http://bauxitevietnam.info/ http://www.bauxitevietnam.info/tulieu/090518_quyet... http://dcctvn.net/ http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu//547... http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/5575... http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2009/04/3BA0DD5...